Địa chỉ: Thôn Hội Trên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC

TRƯỜNG MN NGỌC VÂN TỔ CHỨC HĐ TRẢI NGHIỆM BÉ VUI ĐÓN TẾT 

 

        Theo quy luật của tạo hóa, mỗi lần Tết đến xuân về, đất trời lại đem đến cho con người và vạn vật luồng sinh khí mới. Không khí thiêng liêng của Tết Nguyên Đán, của mùa xuân khiến lòng người rạo rực, háo hức một niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai.

       Cũng giống như các  nước phương tây theo đạo Thiên chúa  thì lễ giáng sinh là ngày lễ thiêng liêng và quan trọng thì ngày Tết cổ truyền được coi là lễ giáng sinh của Việt Nam. Ngày Tết cổ truyền gọi là Tết Nguyên Đán hay Tết âm lịch, là dịp lễ quan trọng và lớn nhất của Việt Nam.

      Chữ Tết có nhiều cách gọi khác nhau như: Tiết, Tết, Tết cổ truyền, Tết Nguyên Đán,... nhưng người Việt chúng ta thì thường hay gọi là “Tết Nguyên Đán”.
     Tết Nguyên Đán thực chất được bắt nguồn ở Trung Quốc vào thời Tam Hoàng và được tổ chức vào tháng giêng hằng năm.

      Tết cổ truyền là thời khắc quan trọng của một năm. Bắt đầu vào ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch của năm mới. Tết Nguyên Đán có thể rơi vào giữa tháng hai dương lịch của một năm. Thông thường ở Việt Nam, mỗi dịp chuẩn bị đến Tết Nguyên Đán thì mọi người dù làm việc hay đi học đều có lịch nghỉ lễ. Thường sẽ được nghỉ lễ hơn một tuần và được nghỉ trước ngày 30 tháng chạp từ hai đến ba ngày. Nhắc đến Tết, không thể không nhắc đến những hoạt động khác được tổ chức xung quanh ngày Tết như các trò chơi dân gian, những phiên chợ tết, phiên chợ hoa. Các trò chơi dân gian được tổ chức chủ yếu như: đập niêu, nhảy bao bố, kéo co, nhảy dây… Được tổ chức nhằm khuấy động không khí ngày Tết thêm rộn ràng hơn. Các phiên chợ Tết, chợ hoa cũng được tổ chức ra hàng năm để tăng thêm sự rộn ràng và hương vị của ngày Tết. Đối với người Việt Nam, ngày Tết thường diễn ra vào ba ngày chính, nhưng trước đó một tuần, người dân đã rậm rịch sắm Tết. Những người đàn ông trong gia đình sẽ sơn sửa, trang trí lại nhà cửa để chào đón năm mới. Còn những người phụ nữ thì lo việc tổ chức mua bán những đồ dùng, thực phẩm cần thiết cho mấy ngày Tết. Loài hoa đặc trưng mà người miền Bắc chơi Tết là hoa đào, còn người miền Nam lại chuộng hoa mai. Mâm ngũ quả cũng là một món đồ trang trí không thể thiếu của người Việt. Đây cũng là điểm khác biệt của hai miền Nam, Bắc. Bởi vì, đặc trưng mâm ngũ quả của người Bắc là bưởi, chuối, hồng, quýt và ớt. Còn miền Nam lại là những quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ. Những ngày này, đi đến đâu chúng ta cũng có thể thấy được không khí rộn ràng, tất bật rất đặc trưng. Trẻ con thì háo hức vì được nghỉ học, được đi chơi, mua sắm quần áo mới.

       Những ngày Tết cổ truyền của người Việt thường diễn ra với rất nhiều phong tục đã được lưu truyền. Sáng 23 Tết, mọi người thường đi chọn mua những con cá chép vàng, đẹp để cúng, thả với quan niệm là tiễn Ông Táo về chầu trời. Thích nhất là cảnh gói bánh chưng, trông nồi luộc bánh chưng. Tết về, các bà, các mẹ lại quây quần bên nhau gói những chiếc bánh chưng thật đẹp, thật vuông vắn. Mấy đứa trẻ con cũng nhao nhao đòi gói, đòi buộc làm cho không khí góc bếp càng rộn ràng hơn. Rồi không khí trông nồi bánh chưng chín để chờ đến thời khắc giao thừa thiêng liêng ngắm pháo hoa và nhận lì xì từ bố mẹ. Đó là cái khoảnh khắc không thể nào quên của một đời người.

       Giờ khắc thiêng liêng nhất của Tết Nguyên Đán là giao thừa đêm ba mươi trời đất giao hòa. Từng gia đình quây quần, sum họp đón năm mới. Mọi người trò chuyện, hàn huyên về cái được, cái mất của năm qua và bàn bạc cách làm ăn sao cho năm tới tốt đẹp hơn. Người dân thường đi ra ngoài và hái những cành lộc non mang về nhà với mong muốn một năm mới thật nhiều may mắn, tài lộc. Người dân Việt còn có phong tục xông nhà vào đêm giao thừa.

      Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm cũng là một mỹ tục xuất hiện từ lâu đời. Sáng mùng Một Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới, tề tựu đông đủ để thực hiện nghi lễ chúc Tết và mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc mạnh khỏe, sống lâu. Ông bà, cha mẹ chúc con cháu làm ăn tấn tới, học hành giỏi giang. Trẻ nhỏ được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ trong có ít tiền mới gọi là lộc với hàm ý may mắn, phát tài cả năm.

       Ngày Tết, họ hàng, láng giềng, đồng nghiệp qua nhà nhau chúc Tết, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi nhau, chuyện trò râm ran, tíu tít. Tình cảm con người làm cho buổi sáng mồng một Tết rực rỡ, sáng sủa hơn mọi ngày. Dân gian có câu: Mồng một Tết mẹ, Tết cha, Mồng hai Tết vợ, mồng ba Tết thầy, thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt. Mọi người mang theo những điều tốt lành suốt trong năm mới. Mọi điều không hay trong năm cũ đều được bỏ qua để quan hệ thân tộc, quan hệ xã hội… trong năm mới tốt đẹp hơn.

       Bên cạnh đó là tục du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, lễ đền lễ chùa trong dịp Tết. Dân tộc Việt xưa nay phần lớn theo nghề nông, quanh năm vất vả, sống phụ thuộc vào thời tiết, thiên nhiên. Trong những ngày Tết, nhân dịp nông nhàn mọi người tranh thủ du xuân thăm viếng danh lam thắng cảnh, thưởng ngoạn vẻ đẹp của quê hương, đất nước để tâm hồn lâng lâng thanh thản và được tiếp thêm sinh khí của mùa xuân. Các lễ hội gắn với những đền chùa nổi tiếng linh thiêng được Phật tử và khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước đến thăm viếng, cầu cho quốc thái dân an, cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên trong năm mới.

          Ngày Tết của dân tộc Việt có rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Tết là lúc mọi nhà sum họp, quây quần bên nhau. Đó cũng là lúc mọi người cùng nhìn lại một năm cũ đã qua và ước nguyện cho một năm mới sắp tới. Tết giúp cho con người gần gũi, xích lại gần nhau hơn, tha thứ, bỏ qua cho nhau mọi lỗi lầm. Bởi thế, ai mà không nhớ Tết, không mong đến Tết?  

       Tết Nguyên Đán đối với người phương Đông chúng ta rất thiêng liêng. Những phong tục đẹp trong dịp Tết thể hiện truyền thống văn hóa, văn minh cần được các thế hệ sau trân trọng gìn giữ và phát huy, nhất là trong thời buổi giao lưu, hội nhập với thế giới hiện nay, bởi đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam chúng ta.

           Do tình hình dịch bệnh đang phức tạp nên năm nay cô và trò trường mầm non Ngọc Vân tổ chức trải nghiệm với quy mô nhỏ trong lớp học. Sau đây là một số hoạt động trải nghiệm về ngày Tết của cô, trò và  của trường mầm non Ngọc Vân.

( Các bạn lớp 5- 6 tuổi B1 biểu diễn văn nghệ mừng ngày tết quê em)

( Các bạn lớp 5-6 tuổi B2 trải nghiệm gói bánh trưng)

( Cô và trò lớp 4-5  tuổi A1 trang trí cây đào)

( Các bạn nhỏ lớp 4-5 tuổi B1 tô màu tranh về ngày tết)

(Sản phẩm của cô và trẻ lớp 3-4 tuổi A1)

( Sản phẩm của các bạn nhỏ lớp 5-6 tuổi A1)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết